Cách giúp con ngủ nhiều hơn vào ban đêm

Nuôi con là một hành trình dài mà ai làm cha, làm mẹ rồi cũng sẽ hiểu. Lo cho con đến từng bữa ăn, giấc ngủ đúng là vất vả như lời đồn ba mẹ ạ. Ngoài nỗi lo con không bú đủ sữa, không ăn nhiều thức ăn, ba mẹ còn rơi vào trạng thái khủng hoảng khi đối mặt với hiện tượng “bé dậy sớm”.

Tại sao bé dậy sớm và có bí quyết nào để con ngủ nhiều hơn vào ban đêm không? Mời ba mẹ theo dõi bài viết để có thêm kinh nghiệm hữu ích!

Nỗi lo “bé dậy sớm” của mẹ

“Chị thân mến, cuối cùng thì con cũng đã ngủ qua đêm mà không cần dậy ăn và vợ chồng em thì vui mừng khôn xiết. Thế nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây, con em lại như một cái đồng hồ Thụy Sỹ: cứ đúng 5h sáng là mò dậy chuyện trò, hoặc khóc banh nhà. Em thấy con dậy lúc 5h sáng còn làm em mệt hơn là con dậy ăn lúc nửa đêm. Em phải làm gì hả chị, vì 5h thì quá sớm để em bắt đầu ngày mới, vợ chồng em lại quay lại trạng thái lờ đờ cả buổi vì dậy sớm rồi chị ơi!”

Bé dậy sớm làm ‘chuông báo thức’ cho cả nhà 

Với các bé dậy đêm, ít nhất mẹ còn biết là sau đó mẹ còn được ngủ thêm vài tiếng đến sáng. Ngược lại, với những bé thức dậy sớm từ lúc 5h sáng – khi gà trống còn ngủ chổng mông lên – chưa buồn dậy gáy mà con thì đã tươi tỉnh – phấn khởi – hồ hởi tràn đầy năng lượng thì việc ngủ rốn thêm một chút tưởng chừng như là nhiệm vụ bất khả thi với các bậc phụ huynh. Và oái oăm thay, hiện tượng dậy sớm hơn gà trống này của các bé xảy ra rất thường xuyên và ở rất nhiều gia đình.

Đối với hầu hết các nhà này thì kỳ vọng bé ngủ thêm đến tận 6-7h sáng là vô phương, trừ khi con vào tuổi thành niên khi mà cha mẹ lại phải lôi con ra khỏi giường. Nhưng từ giờ đến lúc đó, bạn hãy thử một số các mẹo nhỏ để giúp con kéo dài giấc ngủ đêm:

>> Cách chữa REM sáng cho bé

7 bí quyết giúp mẹ bớt lo trẻ thức dậy quá sớm

1. Tránh ánh sáng đầu tiên của buổi bình minh

Cũng như một số ít người lớn, có những em bé rất nhạy cảm với ánh sáng khi ngủ. Đặc biệt là những ngày hè ở châu Âu, khi ngày thật dài và ánh sáng mặt trời không lặn xuống trước 9:30 tối thì việc duy trì một căn phòng tối om như mực chính là chìa khóa để tăng thời lượng giấc ngủ cho con.

Xem ngay:  Uống trà sữa, ăn đồ nướng có ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ không?

Bạn có thể lắp rèm cản sáng, hoặc cách tôi thường làm là dùng giấy bạc nướng đồ ăn dán lên cửa sổ. Cách này đơn giản, rẻ tiền và không đòi hỏi bạn phải thay đổi cả nội thất của căn phòng chỉ để tăng thêm độ cản sáng.

Không gian ngủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng

2. Tránh xa nơi qua lại – giao thông

Nếu cửa sổ phòng của bé nhìn ra đường nơi các phương tiện giao thông qua lại từ sáng sớm thì những tiếng ồn này có thể đánh thức bé dậy sớm. Hãy đóng cửa chặt, nếu có thể, dùng rèm cản âm, và tối ưu nhất là dùng máy tạo tiếng ồn trắng để mức âm lượng đủ át tiếng xe chạy dưới đường. (Harvey Karp khuyên dùng tiếng ồn trắng đến 1 tuổi, trong suốt giấc ngủ).

Ngoài ra, tiếng ồn trắng là công cụ trị liệu ru ngủ của rất nhiều NGƯỜI LỚN, NGƯỜI GIÀ bị mất ngủ do đặc điểm nhạy cảm với âm thanh). Hoặc nếu không, hãy có phương án chuyển phòng/giường bé sang nơi ít tiếng ồn hơn.

3. Trì hoãn giấc ngủ đầu ngày

Những trẻ thức dậy quá sớm thường chỉ sau 1-2 tiếng là đã buồn ngủ và cáu gắt loạn lên đòi đi ngủ giấc đầu. Tuy nhiên, việc ngủ ngày sớm lại dẫn đến ngày kết thúc sớm, đi ngủ đêm sớm và cái vòng luẩn quẩn dậy sớm – ngủ đêm sớm càng không bao giờ thoát ra được.

Để phá vỡ vòng luẩn quẩn này, hãy trì hoãn bằng mọi cách có thể để con ngủ giấc đầu ngày muộn đi 1-1,5h so với thời điểm bé gắt đòi ngủ. Bằng cách cho bé ngủ muộn dậy muộn hơn, thời gian thức đầu ngày dài ra và mệt mỏi là một lực kéo vô hình, giúp bé tự điều chỉnh nội tại để giấc đêm dài ra và bao trùm đến sáng.

4. Giảm nhẹ thời gian bé ngủ ngày

Tổng nhu cầu ngủ của một em bé là một khoảng thời gian tương đối ổn định. Ở mốc 4-5 tháng, con chỉ cần ngủ khoảng 14-15,5h/ngày mà thôi, tùy theo từng bé và lịch sử sinh hoạt của con. Khi sử dụng quỹ ngủ này phần nhiều vào ban ngày, trên 4h, thì đương nhiên đêm của bé bị cắt ngắn lại. Nếu bé ngủ ngày có một giấc trên 2,5h; con được nghỉ ngơi sâu vào ban ngày thì đêm con không đủ mệt để kéo một giấc 11-12h/đêm nữa.

Mẹ có thể giảm nhẹ mỗi giấc đi 1 chu kỳ (~30-40′) hoặc cắt bỏ một giấc ngủ ngắn để con hơi mệt hơn và ngủ thông đêm. Lưu ý, nếu bé quá thiếu ngủ vào ban ngày thì hiện tượng quá mệt (overtired) sẽ xảy ra, con sẽ gắt ngủ kinh hoàng và giấc ngủ đêm bị đứt đoạn thành rất nhiều lần dậy đêm. Đó là nguyên nhân tại sao trẻ dậy chơi đêm nhiều đến thế.

Xem ngay:  Trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình: nguyên nhân và cách chữa mẹ cần biết

Mẹ nên rút ngắn thời gian ngủ ngày để bé ngủ nhiều hơn vào ban đêm

5. Nút chờ

Nút chờ thể hiện tính hiệu quả vô song trong rất nhiều tình huống khi giấc ngủ ngày quá ngắn và tương tự như thế: KHI GIẤC NGỦ ĐÊM QUÁ NGẮN: BÉ DẬY SỚM. Hãy tự trì hoãn bản thân mình khỏi ý muốn lao vào cũi của con khi nghe thấy tiếng ọ ẹ đầu tiên. Hãy chờ 10-15 phút đã.

Thời điểm gần sáng là lúc các chu kỳ REM nối chuỗi liên tục, con có thể ồn ào nhưng chưa thực tỉnh và nếu thêm một chút may mắn con sẽ ngủ lại và ngủ trọn vẹn giấc đêm. Hãy đảm bảo an toàn cho cũi của con, để cha mẹ có thể an tâm khi con ở một mình trong chiếc giường thân thương của mình.

6. Trì hoãn bữa sáng

Nếu con được ăn lúc 5:30 mỗi sáng, nhịp sinh học sẽ được thiết lập. Và mỗi sáng đến giờ 5:30 thì thói quen ăn tạo nên cơn đói lại làm con tỉnh giấc. Vì thế, ngay cả khi bé dậy sớm và lôi cả nhà dậy theo, hãy trì hoãn thêm một chút trước khi cho bé ăn bữa sữa sáng đầu ngày.

Một cách từ từ, khi bữa sáng bị trì hoãn muộn lại, việc cho ăn muộn hơn sẽ tạo nên nhịp sinh học mới: cơn đói sẽ đến muộn hơn và dần dần con sẽ ngủ cho đến khi bị cơn đói này đánh thức.

7. Giải trí “mua giờ”

Nếu việc duy trì phòng tối, tiếng ồn trắng và nút chờ không làm bé có thể ngủ thêm được lâu hơn, cha mẹ có thể tính đến phương án cho bé chơi tự lập để câu giờ, mua thêm một chút thời gian cho giấc ngủ ngắn ngủi của người lớn.

Để bé có thể vui vẻ tự chơi khi tỉnh dậy mà không gào thét đòi khỏi sự có mặt của cha mẹ ngay lập tức, kĩ năng chơi tự lập của trẻ cần được duy trì và củng cố. Đồng thời, một chút đồ chơi treo trên thành cũi cũng có thể giúp bé có thêm chút thời gian giải trí và phân tâm chơi chờ mặt trời mọc mà không tự biến mình thành còi cứu hỏa, đánh thức cả gia đình.

Ở một số ít các bé thì cả 7 mẹo trên đều không hiệu quả, bởi bé có nhu cầu ngủ ít hơn, hay thời gian tỉnh giấc tự nhiên của bé sớm hơn gà trống. Nếu con bạn là một trong số những bé này, bạn sẽ không có sự lựa chọn nào khác là cũng phải dậy sớm cùng bé cho đến khi con có thể tự lo bữa sáng mà không phiền đến ai. Nhưng từ giờ đến thời khắc vàng son đó, cha mẹ có thể thay phiên dậy sớm cùng con hoặc cân nhắc đi ngủ sớm để cùng tồn tại với thói quen khó sửa này của bé.

Chúc cha mẹ thành công.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *