Thành phần sữa mẹ biến đổi kỳ diệu theo thời gian như thế nào?

Có bao giờ mẹ thắc mắc trong sữa mẹ có gì mà em bé bú say sưa không biết chán? Mẹ có biết rằng các thành phần trong sữa mẹ còn thay đổi theo thời gian? Có khi nào mẹ cảm thấy thật chán nản, thất vọng ở đâu đó trên bước đường nuôi con bằng sữa mẹ không nhỉ?

Sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu mà còn có tầm quan trọng hơn thế nữa. Mẹ hãy tìm hiểu những gì có trong sữa mẹ và cách những thành phần đó biến đổi để đáp ứng sát nhất nhu cầu tự nhiên của bé nhé!

 Trong sữa mẹ có chất gì?

Sữa mẹ có những thành phần dinh dưỡng nào? Tạo hóa đã kiến thiết để sữa mẹ là thức ăn đầu tiên của bé. Bởi vậy sữa mẹ bao gồm các chất dinh dưỡng thiết yếu cơ bản như carbohydrate, protein và chất béo và nước. Nhưng sữa mẹ không chỉ là thức ăn thông thường mà còn chứa những thành phần khác mang nhiều giá trị hơn cả khía cạnh dinh dưỡng. Chúng ta cùng phân tích giá trị dinh dưỡng của sữa mẹ nhé!

  • Hàng triệu tế bào bạch cầu tăng cường miễn dịch, cũng như các tế bào gốc, có thể giúp các cơ quan phát triển và được chữa lành
  • Hơn 1.000 protein giúp bé tăng trưởng và phát triển, kích hoạt hệ thống miễn dịch, phát triển và bảo vệ các tế bào thần kinh trong não của bé.

Tất cả protein trong sữa mẹ đều được tạo thành từ các axit amin. Có hơn 20 loại hợp chất này trong sữa mẹ. Một số trong đó được gọi là nucleotide, tăng lên vào ban đêm và các nhà khoa học cho rằng chúng có khả năng giúp bé ngủ ngon hơn.

  • Hơn 200 loại đường phức hợp được gọi là oligosaccharide hoạt động như prebiotics, cung cấp ‘vi khuẩn tốt’ trong đường ruột của bé. Chúng cũng ngăn ngừa nhiễm trùng xâm nhập vào máu và làm giảm nguy cơ viêm não.
  • Hơn 40 loại enzym đóng vai trò là chất xúc tác làm tăng tốc độ các phản ứng hóa học trong cơ thể. Các thành phần trong sữa mẹ có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giúp bé hấp thụ chất sắt một cách dễ dàng.

Sữa mẹ chứa nhiều dưỡng chất quan trọng

  • Các yếu tố tăng trưởng hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của nhiều bộ phận trong cơ thể bé, bao gồm ruột, mạch máu, hệ thần kinh và các tuyến tiết hormone.
  • Sữa mẹ chứa nhiều nội tiết tố đóng vai trò là chất xúc tác thông minh gửi thông điệp giữa các mô và cơ quan để đảm bảo chúng hoạt động bình thường. Một số loại giúp điều chỉnh cảm giác thèm ăn và giấc ngủ của bé, thậm chí giúp gắn kết tình cảm giữa mẹ và bé.
  • Vitamin và khoáng chất – những chất dinh dưỡng không thể thiếu, hỗ trợ cho sự phát triển khỏe mạnh của các cơ quan, giúp hình thành răng và xương của bé.
  • Kháng thể: Trong sữa mẹ có kháng thể gì? Có năm dạng kháng thể cơ bản là IgG, IgM, IgA, IgE và IgD và tất cả đều có thể được tìm thấy trong sữa mẹ. Chúng bảo vệ em bé chống lại bệnh tật và nhiễm trùng bằng cách vô hiệu hóa vi khuẩn và vi rút.
  • Sữa mẹ còn chứa các axit béo chuỗi dài, đóng một phần quan trọng trong việc xây dựng hệ thần kinh, giúp phát triển bộ não và đôi mắt khỏe mạnh cho bé.

Tuy nhiên vẫn có hai thành phần thường thiếu trong sữa mẹ đó là sắt và vitamin D.

Hàm lượng sắt trong sữa mẹ rất thấp, 1000ml chỉ chứa 0.35mg sắt mà nhu cầu bé 6kg muốn bù đủ 6mg sắt sinh lý thì phải uống hơn 17 lít sữa! Chính vì vậy mẹ cần uống sắt: 3 tháng trước mang thai – 9 tháng thai kỳ – 6 tháng sau sinh.

Xem ngay:  Cách giúp con ngủ nhiều hơn vào ban đêm

Ngoài ra, hàm lượng vitamin A và D trong sữa mẹ cũng rất thấp nên mẹ cần bổ sung 600 IU và trẻ cần bổ sung 400 IU vitamin D/ ngày, bổ sung vitamin A 6 tháng/ lần vào các ngày 1 tháng 6 và ngày 1 tháng 12 hằng năm tại trạm y tế phường mẹ nhé!

Các nhà khoa học trên thế giới hiện nay vẫn không ngừng nghiên cứu để khám phá và gọi tên những thành phần mới trong sữa mẹ với những công dụng kỳ diệu.

Bên cạnh đó, hàm lượng các thành phần trong sữa mẹ có thể thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào độ tuổi và nhu cầu của bé.

Bây giờ, mẹ hãy cùng tìm hiểu về sữa mẹ bắt đầu từ thời điểm thiêng liêng bé được sinh ra đời nhé!

Thành phần sữa mẹ thay đổi theo thời gian

Thành phần sữa mẹ theo thời gian

Những ngày đầu tiên: Sữa non

Những giọt sữa đầu tiên vú mẹ tiết ra sau khi sinh được gọi là sữa non. Loại sữa mẹ đặc và dính này thường được gọi là ‘vàng lỏng’, không chỉ vì màu vàng hoặc cam dễ thấy, mà vì nó rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ em bé sơ sinh đang còn non nớt.

Lúc đầu, sữa non rất ít, có khi chỉ là vài giọt mà thôi nhưng vì dạ dày của bé chỉ có kích thước bằng một viên bi nên đó là tất cả những gì bé cần tại thời điểm này. Sữa non cũng rất dễ tiêu hóa. Và nếu như sữa non rất ít về mặt số lượng thì nó được bù lại về mặt chất lượng.

Thành phần của sữa non

Sữa non có các thành phần giống như sữa sau này của mẹ, chỉ là số lượng các thành phần này khác nhau để phù hợp với nhu cầu của trẻ sơ sinh.

Ví dụ, sữa non đôi khi được coi như một loại vắc xin tự nhiên vì hàm lượng kháng thể và bạch cầu rất cao. Sữa đầu tiên của mẹ cần phải chứa những thứ này để có thể bảo vệ em bé khỏi nhiễm trùng và những mầm bệnh bên ngoài sau khi bé rời khỏi môi trường an toàn trong bụng mẹ.

Công dụng mang tính bảo vệ của sữa non cũng rất quan trọng đối với hệ tiêu hóa của bé. Trẻ sơ sinh được sinh ra với một lớp niêm mạc ruột có thể thẩm thấu được sữa non. Nếu bé sinh non thì công dụng này đặc biệt quan trọng bởi bé có nguy cơ gặp nhiều rủi ro hơn từ tình viêm ruột hoại tử.

Sữa non cũng giàu khoáng chất và vitamin, với nồng độ vitamin A, E và K cao hơn sữa mẹ trưởng thành. Tỷ lệ protein trong sữa non cũng cao hơn. Sữa non cũng hoạt động giống như một loại thuốc nhuận tràng giúp bé giải quyết được đợt phân su đầu tiên.

Mẹ cho bé bú những giọt sữa non đầu tiên

Vài tuần tiếp theo: Sữa chuyển tiếp

Trong tuần đầu tiên của bé, khoảng hai đến bốn ngày sau khi sinh, sữa mẹ sẽ thay đổi về số lượng. Mẹ có thể cảm thấy ngực của mình trở nên căng tức, hay còn gọi là cảm giác “sữa về”. Vào ngày thứ ba, bé sẽ tiêu thụ 300 đến 400 ml sữa mẹ mỗi 24 giờ, và đến ngày thứ năm, lượng sữa này tăng lên 500 đến 800 ml. Vì vậy mẹ có thể thấy ngực mình to và đầy đặn lên trông thấy.

Từ ngày thứ năm đến ngày thứ 14, sữa được gọi là sữa chuyển tiếp bởi đúng như tên gọi, sữa mẹ chuyển từ sữa non sang sữa trưởng thành. Sữa có màu sắc và kết cấu dạng giống như “sữa” hơn, đồng thời có hàm lượng chất béo, calo và lactose (một loại đường tự nhiên) cao hơn, làm cho nó trở thành thức ăn lý tưởng cho trẻ sơ sinh đang phát triển nhanh chóng.

Và tất nhiên, sữa chuyển tiếp vẫn có đầy đủ các kháng thể bảo vệ, vi khuẩn ‘tốt’ và các thành phần hoạt tính sinh học khác để giúp bé khỏe mạnh

Giai đoạn sữa chuyển tiếp, ngực mẹ tròn đầy hơn

Từ tuần thứ 4 trở đi: Sữa trưởng thành

Khi bé được bốn tuần tuổi, sữa mẹ sẽ hoàn toàn đủ độ chín. Sữa giàu protein, đường, vitamin và khoáng chất, cộng với nhiều thành phần hoạt tính sinh học, như hormone, yếu tố tăng trưởng và enzym để hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh của bé.

Xem ngay:  Bí quyết giúp con phát triển trí thông minh từ sớm

Từ bốn tuần tuổi, hàm lượng dinh dưỡng và mức độ của các thành phần trong sữa trưởng thành nhìn chung vẫn khá nhất quán. Nhưng thành phần của sữa mẹ vẫn có thể thay đổi theo từng ngày và trong suốt quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.

Ví dụ, nếu mẹ hoặc bé bị ốm, cơ thể mẹ sẽ tạo ra các kháng thể để chống lại căn bệnh cụ thể đó. Kháng thể này sẽ trở thành một phần trong sữa mẹ. Bởi vậy, em bé sơ sinh rất cần được ở gần mẹ, trong cùng môi trường với mẹ để có thể nhận được những kháng thể cần thiết.

Khi bé lớn dần và bắt đầu hào hứng khám phá thế giới xung quanh, bé có xu hướng đưa đồ vật vào miệng và vì thế cũng đưa các vi khuẩn và mầm bệnh bên ngoài môi trường vào cơ thể. Nghiên cứu cho thấy số lượng của các enzym bảo vệ cơ thể chống vi khuẩn trong sữa mẹ sẽ tăng lên. Sự thay đổi trong thành phần này cho thấy sữa mẹ thích ứng với nhu cầu thay đổi của bé như thế nào.

Thành phần sữa mẹ sữa đầu sữa cuối

Khi hút sữa, mẹ có thể dễ dàng nhận thấy sữa có vẻ trong và loãng hơn lúc mới bắt đầu hút, và đặc dần khi về cuối cữ hút. Khi sữa được rút ra khỏi bầu ngực, tác động cơ học của dòng sữa khi di chuyển qua các ống dẫn khiến cho thành phần chất béo tăng dẫn.

Thành phần sữa đầu của sữa mẹ hay còn gọi là sữa loãng chứa nhiều nước, giúp bé “giải khát” được gọi là sữa trước. Sữa đặc về sau giàu vitamin, khoáng chất, protein và đường, được gọi là sữa sau. Cả hai đều là những phần thiết yếu của một bữa ăn hoàn chỉnh. Bầu ngực của mẹ được thiết kế giống như một đầu bếp hoàn chỉnh dọn bữa cho thực khách lần lượt từ món khai vị cho đến món chính để có thể cảm nhận được các hương vị của bữa ăn một cách đầy đủ, vẹn tròn.

Như vậy, cho dù không cho bé bú trực tiếp mà chỉ vắt sữa ra bình thì mẹ cũng đừng lo lắng về việc sữa ban đầu loáng không có chất như nhiều người vẫn nghĩ, mà yên tâm cho bé “thưởng thức” tất cả sữa trước và sữa sau mà mẹ vắt ra nhé.

Mặt khác, trong giai đoạn vì một số lý do bé bú kém hơn bình thường, mẹ cũng có thể điều chỉnh bằng cách vắt bớt sữa trước ra trước khi cho bé bú nhằm đảm bảo bé không bị quá no mà vẫn nhận được đủ lượng chất béo cần thiết.

Hàm lượng chất béo khác nhau nên thành phần sữa đầu và sữa cuối khác nhau

Thành phần sữa mẹ sau 6 tháng

Mẹ có thể tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với sữa của mẹ nếu tiếp tục cho con bú lâu dài. Cơ thể mẹ có thể tiếp tục sản xuất sữa trưởng thành chất lượng cao như vậy trong nhiều tháng nữa không? Câu trả lời là đừng coi thường bầu ngực của mẹ nhé!

Mặc dù đúng là mẹ sẽ cần bắt đầu cho bé ăn dặm khi được sáu tháng tuổi để bổ sung một số chất dinh dưỡng nhất định cho bé, sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính trong chế độ ăn uống của bé. Đồ ăn dặm trong năm đầu tiên của cuộc đời chỉ dùng để bổ sung chứ không được ưu tiên hơn hoặc thay thế cho sữa. Việc ăn dặm chính xác là để cung cấp trải nghiệm phong phú và mới mẻ về các giác quan cho bé trong thế giới mùi vị, kết cấu của đồ ăn.

Ví dụ, khi bé được bảy tháng tuổi, bé vẫn sẽ nhận được 93% lượng calo từ sữa. Từ 11 đến 16 tháng, khoảng 50% lượng calo hàng ngày của bé vẫn đến từ từ sữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *