Tư thế nằm tốt giúp trẻ thoải mái, ngủ sâu và góp phần quan trọng giúp trẻ tăng trưởng. Cho trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ được nhiều ba mẹ lựa chọn. Vậy có nên cho trẻ sơ sinh nằm nghiêng hay không? Cùng tìm hiểu về tư thế nằm này qua bài viết sau đây.
Danh Mục
1. Vai trò của tư thế ngủ tốt
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của trẻ sơ sinh. Trung bình mỗi ngày trẻ ngủ từ 16-18 tiếng và chỉ thức một vài giờ trong ngày để bú mẹ, chơi đùa. Do đó, tư thế ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến sự sinh trưởng và phát triển của trẻ. Tư thế nằm tốt giúp trẻ thoải mái, ngủ sâu và góp phần quan trọng giúp trẻ tăng trưởng. Ngược lại, khi tư thế ngủ không đúng sẽ khiến trẻ khó ngủ, dễ tỉnh giấc, quấy khóc, mệt mỏi,…từ đó dẫn đến biếng ăn, chậm tăng cân, giảm khả năng miễn dịch.
Trẻ sơ sinh khi chưa biết tự trở mình nên tư thế ngủ của trẻ chủ yếu do ba mẹ quyết định. Bé sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ là một tư thế khá phổ biến, tư thế này đem lại một số lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho trẻ sơ sinh.
2. Lợi ích khi trẻ sơ sinh nằm nghiêng
Cho trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ không quá lâu, không liên tục sẽ không những không ảnh hưởng đến sức khỏe mà có thể đem lại một số lợi ích tốt như:
2.1. Giữ an toàn cho đường thở
Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ không có nhiều nguy cơ ngạt thở, đặc biệt là khi trẻ bị nôn trớ, thức ăn từ đường tiêu hóa không đi ngược trở lại vào đường thở gây sặc.
2.2. Giảm chứng ngủ ngáy hay khò khè khi ngủ
Nếu trẻ có hiện tượng ngáy khi ngủ, chuyển trẻ sang nằm nghiêng ngáy sẽ biến mất, hô hấp trẻ cũng thuận lợi hơn.
3. Nguy cơ khi trẻ sơ sinh nằm nghiêng
Tư thế trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ tiềm ẩn một số nguy cơ cho sức khỏe bé
Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ gây ra một số ảnh hưởng đến sức khỏe của bé như:
3.1. Hội chứng đầu bẹt
Vào giai đoạn đầu đời, xương sọ của trẻ sơ sinh vẫn còn khá mềm. Nếu áp lực tích tụ tại một số điểm của hộp sọ, khiến bộ phận này bị lõm, thậm chí chìm vào bên trong gây ra hội chứng đầu bẹt.
Bé sẽ mắc phải hội chứng trên nếu thường xuyên ngủ trong tư thế nằm nghiêng và ở cùng một phía. Nếu hình dạng hộp sọ không phù hợp có thể hạn chế khả năng mở rộng của não bộ, khiến cho não trở nên kém phát triển
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ trong thời gian dài cũng làm cho vòng tai của trẻ chịu chèn ép làm thay đổi hình dạng tai.
3.2. Tật vẹo cổ
Tật vẹo cổ được đặc trưng bởi cách nghiêng cổ bất thường theo một hướng do sự rút ngắn nghiêm trọng của cơ sternocleidomastoid kết nối phía bên của đầu với xương đòn. Vì các cơ của bé sơ sinh vẫn còn mềm và đang phát triển, chúng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực khi trẻ sơ sinh nằm nghiêng sang một bên khi ngủ.
Biểu hiện của trẻ bị vẹo cổ là thường có khuynh hướng nghiêng cổ về một bên đồng thời xoay mặt về bên đối diện. Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện trên, ba mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và được bác sĩ hướng dẫn các bài tập kéo, giãn cổ để tập cho bé ở nhà.
3.3. Hội chứng đột tử
Bé sơ sinh nằm ngủ nghiêng khiến khí quản xoắn lại và có thể gây khó thở. Ngoài ra, tư thế này còn khiến thức ăn trong bụng bé trào ngược và tích tụ xung quanh lỗ mở khí quản tạo ra nguy cơ ngạt thở. Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ hoặc nằm sấp đều làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
4. Lời khuyên để trẻ sơ sinh ngủ an toàn hơn
Tuy có một số ưu điểm nhưng nằm nghiêng không được khuyên là tư thế được sử dụng thường xuyên đối với trẻ. Nằm ngửa vẫn được xem là tư thế ngủ an toàn nhất. Để bé an toàn hơn khi ngủ, ba mẹ có thể thực hiện một số phương pháp sau đây:
4.1. Đặt bé nằm ngừa
Ba mẹ nên đặt trẻ sơ sinh nằm ngửa khi ngủ trong nôi hoặc trên giường. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng tư thế nằm này sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Nằm ngửa vẫn được xem là tư thế ngủ an toàn nhất cho trẻ sơ sinh
4.2. Để trẻ ngủ chung phòng với ba mẹ
Ba mẹ nên để bé vào chiếc nôi, cũi gần giường ba mẹ để dễ quan sát và chăm sóc trẻ hơn vào ban đêm. Nhưng đừng để em bé ngủ trên giường của ba mẹ nhé! Nếu bé ngủ thiếp đi trong khi ba mẹ đang cho bú hãy di chuyển trẻ đến nôi của bé.
4.3. Đảm bảo nôi ngủ của trẻ trống và sạch sẽ
Loại bỏ chăn, đồ chơi và bất kỳ đồ vật nào khác khỏi chỗ ngủ của bé bởi chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc kẹt và nghẹt thở ở trẻ. Một số đồ vật như gối, thú nhồi bông… có thể khiến bé nghiêng qua một bên trong trường hợp bé xoay trở mình trong khi ngủ.
Giữ nôi cũi trống và sạch sẽ để trẻ ngủ an toàn hơn
4.4. Lưu ý khi dùng tấm ủ quấn
Hãy đảm bảo rằng tấm vải quấn chỉ hơi chặt ở ngực nhưng lỏng ở hông và đầu gối. Tuy nhiên, chỉ sử dụng tấm vải quấn trước khi trẻ bắt đầu tập lật. Điều này có nghĩa là khi trẻ bắt đầu tự lật hoặc nghiêng người nằm ngủ, mẹ sẽ cần ngưng sử dụng tấm quấn này vì nó có thể giúp bé dễ dàng lăn qua một bên.
4.5. Không để nhiệt độ xung quanh trẻ quá nóng
Trẻ không cần quá nhiều chăn, mền và khăn quấn như ba mẹ nghĩ. Hãy để trẻ mặc quần áo sơ sinh thoáng mát khi ngủ hoặc chỉ với một tấm khăn ủ mỏng thay vì quần áo quá dày nặng hoặc nhiều lớp.
Trên đây là những chia sẻ về tư thế ngủ nằm nghiêng của trẻ sơ sinh. Hy vọng mẹ đã biết tư thế ngủ tốt và cách chăm sóc để bé yêu có một giấc ngủ ngon và êm ái mỗi đêm.